Tân Bộ trưởng Quốc phòng từng chinh chiến ở Trung Đông của Mỹ
Bộ trưởng Esper từng tốt nghiệp Học viện Lục quân West Point và tham gia chiến tranh Vùng Vịnh trước khi giải ngũ.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: Reuters.
Cựu bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper hôm 23/7 tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng tại Phòng Bầu dục sau khi thượng viện Mỹ thông qua đề cử của Tổng thống Donald Trump. Điều này đã chấm dứt 7 tháng Lầu Năm Góc không có lãnh đạo được quốc hội phê chuẩn, giai đoạn được coi là dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Tôi tự tin rằng ông ấy sẽ là một Bộ trưởng Quốc phòng xuất sắc", Tổng thống Trump phát biểu trong lễ tuyên thệ. Esper thay thế vị trí của Jim Mattis, người cũng là một cựu binh dày dạn kinh nghiệm từng tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Mattis từ chức hồi tháng 12/2018 do bất đồng với chính quyền Trump về quyết định rút quân khỏi Syria và nhiều vấn đề khác.
Esper là bạn cùng lớp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Học viện Lục quân West Point. Sau khi tốt nghiệp năm 1986 và hoàn thành chương trình huấn luyện biệt kích, ông được biên chế vào Sư đoàn lính dù số 101 thuộc lục quân Mỹ với quân hàm thiếu úy.
Sư đoàn dù 101 của Esper được triển khai đến Kuwait để đẩy lùi quân đội Iraq trong chiến dịch Tiếng thét Đại bàng thuộc Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991. Tiểu đoàn của ông nằm trong đội hình gọng kìm đánh bại và đẩy lui quân đội Iraq khỏi Kuwait.
Esper tới thăm một đơn vị lính dù Mỹ năm 2017. Ảnh: Lục quân Mỹ.
Nhờ thành tích chiến đấu trong chiến dịch này, Esper được trao hàng loạt huân huy chương, trong đó có Ngôi sao Đồng, trước khi chuyển đến châu Âu chỉ huy một đơn vị lính dù ở Vicenza, Italy.
Ông phục vụ trong lực lượng chính quy hơn 10 năm rồi chuyển sang Vệ binh Quốc gia Mỹ, sau đó trở thành sĩ quan dự bị lục quân với hàm trung tá. Sau khi giải ngũ năm 2007, Esper trở thành nhà vận động hành lang cho tập đoàn quốc phòng Raytheon, cũng như giữ nhiều chức cố vấn chính sách tại quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc.
Tháng 11/2017, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng lục quân sau 7 năm giữ vị trí phó chủ tịch hội đồng quan hệ chính phủ tại tập đoàn Raytheon. Quyết định bổ nhiệm Esper lúc đó gặp một số chỉ trích, khi nhiều người cho rằng nó sẽ có lợi cho Raytheon trong các hợp đồng vũ khí tương lai với quân đội Mỹ.
Đến ngày 24/6, ông được chỉ định giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng thay thế Patrick Shanahan. Gần một tháng sau, ông được Tổng thống Trump đề cử vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Theo quy định, ông buộc phải từ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng và tiếp tục nắm vị trí bộ trưởng lục quân trong thời gian ngắn ngủi trước khi được thượng viện phê chuẩn chức vụ mới.
Bộ trưởng Esper lên nắm quyền trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang đối mặt với nhiều thách thức nội bộ và hàng loạt mối đe dọa khắp thế giới.
Esper (áo đen) thăm binh sĩ Mỹ tại châu Âu khi còn làm Bộ trưởng Lục quân. Ảnh: US Army.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuyển hướng tập trung từ chiến tranh phi đối xứng với các nhóm phiến quân như Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông sang duy trì sức mạnh để đối phó với sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga và Trung Quốc. Dù vậy, quân đội Mỹ vẫn đang phải tập trung chú ý vào Trung Đông do căng thẳng với Iran leo thang trong những tháng gần đây.
Lầu Năm Góc đang gặp tình trạng nhiều vị trí điều hành dân sự bị bỏ trống, trong khi các ứng viên lãnh đạo quân sự lại gây tranh cãi.
Đô đốc William Moran, người dự kiến trở thành Bộ trưởng Hải quân, đã xin rút sau nghi vấn về quan hệ giữa ông với một chỉ huy hải quân đang bị điều tra vì hành vi sai phạm. Tướng không quân John Hyten được đề cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trong lúc đối mặt nghi án quấy rối tình dục, dù cuộc điều tra nội bộ cho thấy không có bằng chứng ủng hộ cáo buộc này.
Esper thể hiện sự ủng hộ với phần lớn chính sách của Tổng thống Trump hiện nay. Trong cuộc họp tại thượng viện Mỹ hồi tuần trước, ông khẳng định đồng tình với kế hoạch triển khai binh sĩ Mỹ dọc tuyến biên giới với Mexico, dù điều này từng gặp nhiều phản đối từ năm ngoái.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi giải pháp ngoại giao để xử lý căng thẳng với Iran, đồng thời chỉ trích hợp đồng mua bán tên lửa S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.