Nhà văn nuôi chim
()Cách đây mấy năm, một hôm anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) nổi hứng rủ mình và thằng Tiến ( Phạm Ngọc Tiến) về Vĩnh Bảo ( Hải Phòng) thăm quê anh. Làng Sưa của anh Đỉnh khá đẹp, cây cối nhà cửa sầm uất, nhiều nhà cổ và cây cổ thụ, nằm bên một dòng sông nước ngọt, hình như là sông Hóa. Con đê cỏ xanh mướt chạy dọc làng, kéo theo hai rặng tre cũng xanh mướt tỏa bóng mát rượi xuống dòng sông. Xưa những ngôi làng đẹp như thế chắc nhiều lắm nhưng bây giờ thì hơi bị hiếm, nhièu ngôi làng đẹp đã dần tàn lụi đi vì sự phá hoại của môi trường ô nhiễm. Chuyện này nói sau.
Tụi mình vừa vào đến sân đã có tiếng reo của đứa con nít, nói ông ơi có khách! Anh Nam, anh trai của anh Đỉnh, từ trong nhà ra tay bắt mặt mừng kéo tụi mình vào mâm rượu đã bày sẵn. Thằng Tiến nói với anh Nam, nói các cháu đâu cả rồi, anh gọi chúng nó vào ăn cả thể. Anh Nam lắc đầu xua tay, nói ăn đi, có ai nữa đâu, các cháu nhà tôi đều có gia đình, ra ở riêng cả rồi. Mình ngạc nhiên, nói lúc nãy có đứa con nít nào gọi anh đấy? Anh Nam cười chỉ tay ra hiên nhà, cái lồng chim treo lủng lẳng, trong đó có con sáo mỏ đỏ rất đẹp.
Mình khen con chim nói sõi tiếng người, y chang tiếng con nít. Thằng Tiến nhảy ra ngay, nó đi đi lại lại quanh lồng chim tấm tắc khen con sáo đẹp. Nó là thằng mê chim, đến nhà ai thấy chim hay là chân nó mọc rễ dưới lồng chim ngay. Nhưng cái số nó không nuôi được chim, nuôi con nào hỏng con đó.
Một hôm mình với nó đến chơi nhà Quốc Trọng. Cái ông Xuân tóc đỏ này nghiện chơi chim và cây cảnh, từ trong nhà ra ngoài vườn góc nào cũng có lồng chim và cây cảnh. Đang uống rượu chợt con cu gáy kêu lên 5 tiếng cúc cù cu cu cu. Thằng Tiến vỗ tay đánh bốp, nói bổ ngũ bổ ngũ, giống cu gáy quí hiếm cực kì. Mình chẳng hiểu bổ ngũ bổ nghéo gì, chỉ thấy mắt thằng Tiến dán chặt vào cái lồng cu gáy, y chang trai tơ ngắm gái tắm tiên.
Biết tính Quốc Trọng hễ rượu say ai xin cái gì cũng cho, thậm chí người ta không xin cũng gạ cho người ta, tối đó thằng Tiến chuốc rượu Quốc Trọng say tít mù. Kết quả thằng Tiến có con chim cu gáy “bảo ngũ” của Quốc Trọng. Tiến ta sướng lắm, treo ngay trong buồng ngủ vợ chồng nó. Nó hôn vợ đánh chụt, nói treo đấy để em ngắm cu gáy, ngắm mãi cu anh cũng nhàm. Nó bày rượu mời bạn bè đến khoe, nói cu gáy có nhiệm vụ nhắc nhở cu tao. Đàn bà hay sĩ diện, muốn bỏ mẹ không dám mở mồm. Tao treo lồng chim ở đấy, hễ khi nào nó gáy cúc cù cu cu cu là tao biết tiếng gọi khẩn thiết của vợ tao, vùng dậy tác chiến liền, tiện không? Tiến trọc thế mà cũng thông minh chứ nhẩy… khơ kha khơ kha, nó ngửa cổ cười đắc chí.
Được vài hôm, mình gặp thằng Tiến, hỏi con cu gáy sao rồi. Nó nói chết rồi, vừa chết chiều qua. Mình quá ngạc nhiên, nói sao chết, mới nuôi vài hôm đã chết là sao. Thằng Tiền tu sạch ly rượu to thong thả chùi mép, nói nó yêu vợ tao mà tao không biết, ngu thế chứ. Thấy tao ngủ với vợ tao nó buồn rũ ra, hôm đầu còn gáy bảo ngũ, hai hôm sau thì bảo tứ, bảo tam… đến ngày thứ ba một tiếng cu nó cũng chẳng thèm kêu. Rồi nó bỏ ăn phá lồng, phá rất kinh y như người ta tự tử. Tao sợ quá, xách lồng ra đồng mở lồng cho nó được tự do. Nhưng nó cứ quặp chân chặt vào lồng không chịu bay ra. Nó chết mắt mở trừng trừng, tao vuốt mắt nó không nhắm, vợ tao động khẽ là nó nhắm mắt liền, kinh thế chứ!
Thằng Tiến lại tu sạch ly rượu to dằn mạnh cái ly, nói vợ đẹp vừa thì còn được, quá đẹp như vợ tao khổ lắm chúng mày ơi. Hi hi hiếm có thằng nào nổ hay như thằng này.
Không nhớ năm nào, cái năm ồn ào chuyện cúm gà H5N1 ấy, thằng Tiến xách về hai con sáo, sáo Tuyên Quang chân vàng mỏ chì, sáo Hải Phòng chân chì mỏ vàng, con nào cũng đẹp mã nói tài nhưng tính cách rất khác nhau, con lịch lãm con ba trợn. Thằng Tiến đặt tên con Mâu con Thuẫn, dạy cho mỗi con mỗi kiểu “phát ngôn”.
Khách tới, con Mâu chào khách, chào quí khách; con Thuẫn chào bố, chào các bố. Tiến làm về, con Mâu chào bố Tiến, bố khỏe không; con Thuẫn chào Tiến trọc, Tiến Trọc say chưa . Tiến khoái chí khoe khắp làng. Nó để hai cài lồng Mâu, Thuẫn sát nhau để chúng nó cãi nhau cho vui. Không ngờ sáo cũng cục bộ địa phương, con Mâu mổ què chân con Thuẫn. Điên tiết con Thuẫn mổ mù mắt con Mâu. Đứa mù đứa què những vẫn hót rất hay, nói tiếng người bem bép, thằng Tiến vẫn nuôi nấng hầu hạ chúng .
Kịp đến khi có dịch cúm gà H5N1, cán bộ phường đến nhắc nhở nên bỏ hai con sáo đi nếu không phường sẽ tịt thu đem đi tiêu hủy. Thằng Tiến vâng vâng dạ dạ, nói tôi là nhà văn tất nhiên tôi phải gương mẫu chấp hành, các bác yên tâm đi. Nói vậy nhưng nó vẫn nuôi hai con sáo, tiếc của giời không muốn bỏ con nào.
Bất thần cán bộ phường kiểm tra, thằng Tiến chỉ kịp nhét hai lồng chim vào bếp, trùm kín bằng hai bao tải. Nó bắt tay cán bộ phường cười cái xoẹt, nói đó… các bác thấy chưa, tôi giải tán hết rồi. Tôi nuôi chim tôi hầu mụ vợ đến tuổi hồi xuân chả xong, sao nuôi được chim trời. Nó vừa dứt lời con Mâu kêu chào khách, chào quí khách, con Thuẫn kêu chào bố, chào các bố. Thằng Tiến ngượng chín mặt, để cho cán bộ phường đem hai con sáo đi, không dám ho he. Nó thề dù chết cũng chẳng thèm nuôi giống chim ngu xuẩn làm mất mặt nó nữa.
Chuyện đó xảy ra ít lâu trước khi thằng Tiến lại gặp con sáo của anh Nam. Khác với các con sáo khác, con này nói đủ thứ, đủ giọng, lại nói hệt tiếng người không chê vào đâu đươc. Mới vào nó kêu ông ơi có khách. Đang nhậu nhẹt nói chuyện ồn ào nó kêu không cãi nhau, không đánh nhau. Giống giọng anh Nam không chê vào đâu được. Nhà anh Nam bán kẹo, tụi trẻ hay đến mua, hễ có đứa nào đến mua kẹo là nó biết liền, kêu ông Nam ơi ra bán kẹo! Rất vui.
Anh Nam nói chẳng ai dạy dỗ gì đâu, nó nghe mấy đứa con nít nói thế nào là nó nói vậy. Gần đây nó còn nhại cả tiếng của tôi. Nửa đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng than, nói xã hội lắm tiêu cực quá, hệt tiếng của mình, giật mình sợ toát mồ hôi. Thằng Tiến hỏi anh Nam, nói con sáo tên gì, anh có đặt tên cho nó không? Anh Nam tiến đến lồng sáo, gõ gõ cái lồng, nói tên gì, tên gì? Con sáo trố mắt nhìn anh Nam, nói sá- áo! Cái tiếng sáo- áo nghe dễ thương như tiếng đứa trẻ lên ba. Mình và thằng Tiến phục lăn. Sáo lặp lại tiếng người mình thấy đã nhiều nhưng sáo biết trả lời được câu hỏi của người thì từ bé đến giờ mới thấy.
Đêm đó mình và thằng Tiến bám lấy cái lồng hỏi chuyện con sáo liên tục. Lúc đầu nó còn nói đôi câu, sau tụi mình hỏi nhiều quá nó trừng mắt nhìn tụi mình, ý chừng muốn nói hỏi gì mà hỏi lắm thế. Đến gần hai giờ sáng, con sáo ngủ tụi mình cũng không tha, thay nhau hỏi tên gì tên gì? Điên tiết con sáo mổ một phát, chút xíu trúng mồm mình. Nó khinh bỉ nhìn mình và thằng Tiến như nhìn hai thằng mất dạy, hi hi.
Chả biết thằng Tiến tán tỉnh thế nào mà anh Nam tắc lưỡi giao cái lồng sáo cho nó. Thằng Tiến sướng rêm. Từ khi có con sáo hôm nào nó cũng gọi điện khoe với mình, nói con sáo vừa nói thế này con sáo vừa nói thế kia, Kết thúc cuộc gọi bao giờ Tiến ta cũng chốt một câu sung sướng, nói con sáo nói như người, người cũng chỉ nói được đến thế mà thôi.
Được chừng hai tháng, thằng Tiến sang nhà mình, nói mày có thích con sáo không, tao cho mày đấy. Mình trố mắt nhìn nó, nói sao thế, có chuyện gì à? Nó cười cái hậc, nói cũng chẳng có chuyện gì. Con sáo vẫn nói giỏi, có điều nói giỏi quá, lắm khi tao tức phát điên. Nó kể một hôm nó không hoàn thành nhiệm vụ, vợ nó trêu nó, nói anh còn ba hoa nữa không, làm như mèo mửa đấy nhé! Con sáo hớp lấy câu đó của vợ tao ngay, nhưng giống mấy thằng phê bình đểu nó không nhắc nguyên văn mà cắt cúp thành câu: Ba hoa… làm như mèo mửa! Cứ đợi tao lên giường là nó nheo nhéo, nói ba hoa… làm như mèo mửa! Vợ tao cười gần chết còn tao cụt hứng thun vòi, mày bảo có điên không?
Mình cười, nói có thế mà cũng tự ái. Con sáo nói cho vợ chồng mày nghe chứ có nói cho ai nghe đâu. Nó trợn mắt lên, nói mày không biết đó thôi. Hôm vợ tao đi vắng, mấy em mắt xanh mỏ đỏ tới chơi nhà. Tất nhiên tao nổ bôm bốp về chuyện yêu đương. Đang nổ trơn mồm, con sáo bỗng nheo nhéo, nói ba hoa… làm như mèo mửa! Mấy con bé tưởng tiếng vợ tao, ba chân bốn cẳng biến sạch. Từ đó hễ rủ em nào đi chơi là em đó nhăn mũi nhọn mồm, nói thôi thôi, cảm ơn anh mèo mửa. Nhục thế không biết!
Hi hi.
Nguyễn Quang Lập