[Scholarship] Làm sao để chinh phục một học bổng Tiến sĩ? Kỳ 5: Chuẩn bị đề xuất nghiên cứu (research proposal)

in #scholarship6 years ago (edited)

Tại sao đề cương nghiên cứu quan trọng?

Có lẽ đề cương nghiên cứu (research proposal) là phần khó nhất, do đó nó cũng là một trong những phần quan trọng nhất trong một hồ sơ xin học bổng PhD. Nếu xuất bản phẩm là các bằng chứng về năng lực nghiên cứu của mình trong quá khứ, đề xuất nghiên cứu là thứ thể hiện năng lực nghiên cứu hiện tại và định hướng nghiên cứu tương lai (3-4 năm tới) của bản thân. Trong đề xuất, bạn không thể che giấu bản thân đằng sau các tác giả nào khác, bạn phải đi đứng độc lập, thể hiện được khả năng nghiên cứu của mình. Khả năng nghiên cứu được đánh giá qua việc tổng quan tài liệu (literature review), kỹ năng viết văn học thuật (academic writing), thiết kế một nghiên cứu hợp lý (research design), lập kế hoạch tốt (feasible planning), cho tới việc trích dẫn đúng chuẩn (citation and reference). Và đề xuất cần phải thuyết phục giáo sư và hội đồng học bổng rằng đề tài bạn chọn là thứ có ý nghĩa cao, có khả năng bổ sung được kiến thức gì đang thiếu hụt. Đề tài đó cũng phải thể hiện được sự phù hợp. Phù hợp gì? Đó là với định hướng nghiên cứu của trường, của thầy cô hướng dẫn, yêu cầu thực tiễn, và định hướng thị trường (xem Kỳ I bàn về tính mục đích).

Trước đây đề tài nghiên cứu thạc sĩ của mình là về “nghi thức thể hiện sự tôn trọng trong đời sống người Việt”, dù mình khá hứng thú với nó, nhưng thực tế nó ít được các nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm và cũng khó khơi gợi được sự quan tâm của các giáo sư ở Úc. Do đó mình nghĩ phải tìm một chủ đề mới, thực tế hơn. Trước khi có bản cuối cùng mình có khá nhiều ý tưởng tản mạn. Mình viết ra khá nhiều đề xuất mỗi cái bao trùm vài ba chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề viết nhiều lần, tầm 4-5 bản khác nhau. Mình từng viết về Internet và truyền thông xã hội, cái về mạng lưới tương tác ảo, cái về tổ chức xã hội tự nguyện, cho tới khi mình chốt làm về thảm họa tự nhiên (natural disaster). Nghĩ lại quá trình viết đi viết lại như vậy khá tốn công. Nhiều khi đi vòng vèo.

Nếu bây giờ được làm lại, mình sẽ sử dụng cách tiếp cận tuần tự, (như trong Kỳ 1 đã đề cập), qua các bước sau:

(1) Xác định nhu cầu bản thân. Đề tài nào mình thực sự quan tâm. Cái này liên quan mật thiết đến câu hỏi "what is your purpose? What is your passion?"

(2) Xác định các hướng nghiên cứu cơ bản của trường mình định ứng tuyển. Xem phần trọng tâm nghiên cứu của trường hoặc của các khoa (faculties/departments).

(3) Xác định các hướng nghiên cứu của thầy cô hướng dẫn bằng cách xem các mối quan tâm nghiên cứu của họ (research interest), các dự án nghiên cứu (projects) và các xuất bản phẩm (publications), và đề tài của các PhD candidate họ hướng dẫn thường tập trung ở đâu.

(4) Xác định nhu cầu thị trường nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đề tài nghiên cứu tốt nên là chủ đề có khả năng giải quyết được các vấn đề nổi cộm trong nước và quốc tế, là chủ đề nhiều nhóm nghiên cứu quan tâm, hay thuộc danh mục được nhà tài trợ quan tâm. Làm cái này bằng cách tập trung đọc tài liệu chuyên ngành. Tài liệu chuyên ngành là các bài báo. Thông thường, lựa chọn khoảng 3-5 tạp chí chuyên ngành uy tín trong lĩnh vực mình quan tâm, rồi tìm đọc các bài báo xuất bản trong vòng 5 năm trở lại đây. Việc đọc này có hai ý nghĩa: biết được tin tức chủ đề nào đang hot, và hai là có kiến thức để viết tổng quan nghiên cứu. Đọc các blogs của các nhà nghiên cứu nổi tiếng cũng gặt hái được nhiều ý tưởng thú vị. Chọn 2-3 chủ đề chính mà mình quan tâm nhất.

(5) Lập biểu đồ để tìm hiểu điểm chung giữa 4 mục trên. Nên nhớ, bản chất của bước này là mình phải có sự thỏa hiệp. Nhiều cái mình phải thay đổi sở thích, đam mê một chút để phù hợp với định hướng thầy cô và của trường. Nhiều trường hợp khi gửi đề xuất xong, thầy cô hướng dẫn còn yêu cầu sửa đổi cho phù hợp hơn với định hướng của họ. Dĩ nhiên nếu thay đổi cách xa lĩnh vực mình quan tâm quá thì cần cân nhắc kỹ. Với 3-4 năm làm đề tài mình không thích thì sẽ rất khổ. Thực sự có thời điểm mình đã phải từ chối một cô vì đề xuất thay đổi của cô ngoài vùng quan tâm và khả năng của mình.

Khi đã chọn cho mình một chủ đề thú vị, việc tiếp theo là xây dựng nó thành một đề xuất nghiên cứu (research proposal). Một đề xuất có thể ngắn trong vòng 01 trang, hoặc chi tiết tầm 4-5 trang hoặc 7-8 trang. Do đó, tùy từng độ dài mà chế biến, cấu trúc sao cho phù hợp. Dưới đây mình trình bày một số thành phần cơ bản.

Các nội dung của một đề xuất

Phần giới thiệu

  • tên của đề xuất nghiên cứu (title)
  • trình bày vấn đề nghiên cứu (statement of problem) là gì? Phần này phải làm rõ được chủ đề nghiên cứu là gì (topic), gắn được nó vào lĩnh vực nghiên cứu rộng hơn.
  • tổng quan các nghiên cứu (literature review). Phần này phải chỉ ra được các nghiên cứu hiện tại về chủ đề mình đã xuất là gì, họ đã nghiên cứu những khía cạnh nào của chủ đề đó, sử dụng phương pháp gì, địa bàn thường ở đâu, và cuối cùng quan trọng nhất là nó thiếu hụt gì (khía cạnh nào chưa được nghiên cứu, câu hỏi nào chưa được trả lời, phương pháp nào chưa được sử dụng).
  • từ đó đề xuất đề tài nghiên cứu của mình với các câu hỏi nghiên cứu/giả thuyết nghiên cứu chính (thông thường 1 – 2 câu hỏi nghiên cứu chính và 2 câu hỏi nghiên cứu phụ). Đối với nghiên cứu định lượng, cần phải đưa ra các giả thuyết nghiên cứu (hypotheses), đối với nghiên cứu định tính thường đưa ra mục đích và các câu hỏi nghiên cứu.

Ý nghĩa nghiên cứu (lựa chọn):

  • Đề tài của mình dự kiến sẽ mang lại những ý nghĩa nào về mặt lý thuyết và thực hành.

Phương pháp nghiên cứu (quan trọng)

  • Hệ mẫu hình/thế giới quan nghiên cứu (theoretical paradigms/worldview): Thứ lý thuyết bàn đến các vấn đề về bản thể luận và nhận thức luận (ontology and epistemology). Phần này không nhất thiết phải nêu. Nhưng nếu chỉ ra được trường phái lý thuyết phương pháp nào mình dựa vào sẽ chứng tỏ được cho hội đồng và thầy cô hướng dẫn sự thông thạo của mình.
  • Phương pháp luận nghiên cứu (research methodology): Chẳng hạn nghiên cứu định tính hay định lượng hay hỗn hợp (qualitative, quantitative, or mixed methods research).
  • Cách tiếp cận nghiên cứu (research approach): Trong từng phương pháp luận, có các cách tiếp cận cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, trong nghiên cứu định tính thì có nghiên cứu dân tộc học (ethnography), nghiên cứu lý thuyết từ cơ sở (grounded theory methods) hay nghiên cứu trường hợp (case study). Trong nghiên cứu định lượng thì có cách tiếp cận thực nghiệm hay khảo sát xã hội (social survey).
  • Phương pháp chọn mẫu (sampling): Đối tượng và địa bàn nghiên cứu nào? Tại sao lại chọn đối tượng và địa bàn đó? Dùng chiến lược nào để tiếp cận và chọn lựa các đối tượng như thế nào.
  • Phương pháp thu thập thông tin (data collection methods): Chẳng hạn định lượng thì dùng phương pháp thực nghiệm (experiment) hay khảo sát bảng hỏi (survey), định tính thì phỏng vấn sâu (in-depth interview) hay quan sát tham dự (participant observation).
  • Phương pháp xử lý thông tin: Chiến lược xử lý thông tin như thế nào? Làm sao để đạt độ tin cậy (credibility) của thông tin thu được? Các kỹ thuật đạt được mức độ tin cậy đó? Sử dụng phần mềm nào để phân tích?
    Các phần trên cần phải có sự liên kết logic với nhau.

Kế hoạch kỳ vọng
Đây là phần trình bày khả năng lập kế hoạch của mình. Trong đó kế hoạch gồm trong 3-4 năm học PhD thì mình sẽ làm những gì. Từng năm bạn cần lên được danh sách các đầu việc mình dự kiến sẽ làm. Phần này sẽ giúp hội đồng đánh giá được khả năng lập kế hoạch của bạn.

Danh mục tài liệu trích dẫn(Reference List).

Chú ý, danh mục tài liệu tham khảo (reference list) khác với danh mục tài liệu tham khảo (Bibliography). Cái đầu là danh sách các tài liệu mình đã trích dẫn trong đề xuất. Cái sau là danh mục các tài liệu mình tham khảo, có thể không được trích dẫn nhưng là nền tảng cho cách hiểu và suy luận của mình trong đề xuất thì cũng được đưa vào đây. Thông thường thì reference list được sử dụng để tiết kiệm không gian. Theo kinh nghiệm, càng nhiều tài liệu trích dẫn thì càng tốt. Thầy tôi cho biết đã phải đọc 300 bài báo để chuẩn bị cho đề xuất. Mình thì không nghĩ cần phải quá nhiều đến mức đó, nhưng ít nhất phải từ 50-60 bài trở lên.

Ngoài danh mục tài liệu trích dẫn ở cuối đề xuất, bạn cần đạt một chuẩn mực đối với việc trích dẫn trong đoạn (in-text citation). Chẳng hạn trong đoạn trích cần có tên tác giả (họ), năm xuất bản và số trang nếu trích trực tiếp: “Mary Homes (2017) said that…” hoặc “A recent study shows that… (Homes 2017: 13). Bạn nên tuân thủ chặt chẽ việc trích dẫn để tránh đạo văn. Việc sử dụng phần mềm trích dẫn như Endnote, Mendeley (miễn phí) sẽ giúp ích rất nhiều. Và bạn nên đi theo một hệ thống trích dẫn thống nhất xuyên suốt cả đề xuất, chẳng Harvard, hay APA 6th, hay Chicago 16th, v.v.

Sau khi đã có bản nháp đề xuất, bạn có thể vẫn rối. Cách tốt nhất là tham khảo các anh chị tiền bối trong ngành bằng cách trao đổi với họ, gửi proposal cho họ góp ý, rồi từ đó tìm cách sửa chữa lại. Như mình gửi đi khoảng 4-5 người. Qua đó mình thấy mình học hỏi được rất nhiều thứ. Đúng là phải soi mình vào một cái gương thì mới thấy mình thế nào. Sau những lần như vậy, phải nói research proposal của mình tốt lên hẳn. Kết quả là khi mình gửi đi thì hầu hết giáo sư đều đồng ý nhận hướng dẫn ngay từ lần đầu tiên với comment đại ý là đề tài của mày promising (đáng mong đợi) và thú vị.


Tóm lại, tìm ra được ý tưởng nghiên cứu hấp dẫn, nằm trong một topic đúng mốt (không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà phù hợp với định hướng nghiên cứu của trường và được cả giáo sư họ quan tâm), xác định được được lỗ hổng của nghiên cứu hiện tại, đặt ra câu hỏi đích đáng, có một hình dung tốt về phương pháp nghiên cứu sẽ sử dụng, thiết kế một đề xuất hợp lý và khả thi, sẽ quyết định phần lớn thành bại của một hồ sơ học PhD.

Coin Marketplace

STEEM 0.33
TRX 0.26
JST 0.041
BTC 97807.65
ETH 3619.12
USDT 1.00
SBD 3.36