Tiềm biểu tượng

in #psychology7 years ago

TBT- Tiềm biểu tượng (archetype) là cái quái gi ?
Đây là một thắc mắc tôi đã có từ lâu . Xét ra thì TBT cũng là thứ hơi quái dị , không dễ gì mô tả bởi vì một lý do khá đơn giản thôi : - nó nằm ngoài phạm vi ngôn ngữ ! Tuy vậy , vẫn phải tạm dùng ngôn ngữ vì trong tay ta đó là cái phương tiện duy nhất để mà cậy mở nắp hộp . Những lời ghi chép dưới đây là kết tụ vắn tắt sơ yếu của nhiều khảo cứu từ trên mạng . Muốn tìm hiểu thêm cho đầy đủ , xin tra đọc vài trang web sau đây:

https://academyofideas.com/2017/02/carl-jung-what-are-archetypes/

Các khái niệm về TBT dường như đã có từ thời của hiền triết Plato (cổ Hy Lạp) . Plato gọi chúng là "Forms" (dạng thức) , tỉ dụ như cái dạng thức về "Đẹp" (Beauty) thì được biểu hiệu bởi một bông hoa, hay bởi một người phụ nữ mỹ miều ..v..v.. . Bao lâu sau , bác sĩ Carl Jung (1875-1961) mới là kẻ có khả năng phân tích tỉ mỉ và ra công áp dụng các khái niệm này vào tâm lý và cuộc sống của người đời .

rose-17.jpg

Trước khi có thể khảo cứu thêm về TBT, ta cần thiết lập chút hiểu biết căn bản về đường hướng suy luận của Carl Jung . Khởi đầu với cái khái niệm về "thần hồn" (psyche) , Carl Jung cho rằng tất cả mọi thứ bên ngoài cái bình diện thể xác như tư tưởng, cảm xúc, tâm lý, và tư cách của ta đều thuộc về "thần hồn" . Kế tiếp, Carl Jung phân chia cái môi trường sinh hoạt của thần hồn ra thành ba phần : cõi tri thức (conscious realm) , cõi tiềm thức cá nhân (personal unconscious realm) , và cõi tiềm thức tập thể (collective unconscious realm) .

Trên thực tế thì ba phần này không có các ranh giới nào ngăn cách rõ rệt , chúng có thể chồng chất và hoà trộn lẫn lộn với nhau . Cõi tri thức bao gồm mọi sự kiện mà ta có thể nhận biết ghi nhớ rõ ràng trong nếp sống bình thuờng . Cõi tiềm thức cá nhân , đằng khác, là cái kho lưu trữ của mọi dữ kiện , mọi yếu tố dù đã chìm sâu trong tâm khảm, không còn đuợc ta muốn nhớ hay muốn biết tới nữa, nhưng chúng vẫn tiếp tục gây ra bao ảnh hưởng ngấm ngầm và mãnh liệt trong suốt đời người . Đào sâu hơn nữa thì sẽ tới cái cõi tiềm thức tập thể , một kho tàng ký ức chung của nhân loại , đây mới chính là lãnh vực của TBT .

Theo sự suy luận của Jung thì TBT là những cơ cấu thần hồn căn bản (psychic structures) vốn phát xuất từ cõi tiềm thức tập thể . Từ đây các TBT này cung cấp chung cho mọi người trên thế gian cùng một số vốn làm nền tảng cho cuộc sống . Điều này khiến cho tất cả mọi cá nhân, bất kể bao khác biệt về truyền thống văn hoá hay tôn giáo, ai ai cũng như nhau , đều có cơ duyên thể nghiệm đuợc những điểm cốt yếu nhất của một đời người .

Trong cơ thể xác thịt của ta có những hoạt động ngấm ngầm của nhiều bộ phận chính yếu như tim gan mật ruột ..v..v.. mà ta không hề hay biết trực tiếp, và cho dù có muốn đi nữa cũng khó mà nhận thức đuợc một cách rõ ràng . Tương tự như vậy, cái thần thể của tâm hồn ta cũng có những thành phần cấu tạo bằng các TBT cơ bản, và các thứ này có những sinh hoạt liên tục mà ta không thể hay biết đuợc một cách trực tiếp với ý thức thông thường . Sự hiện hữu của các TBT này chỉ có thể đuợc tiếp nhận qua những hình ảnh và ấn tượng mà chúng luôn sắp xếp để in hằn trong tri thức của ta .

Các chuyên gia về tâm lý học cho rằng ngôn ngữ của ta (language) chỉ có thể dùng để chỉ định và diễn tả những thứ cụ thể , xuất hiện dưới dạng thể chất . Đối với các thứ mơ hồ và trừu tượng như TBT thì ngôn ngữ và ký hiệu (writing, sign) trở nên vô cùng bất lực . Trong lãnh vực của tiềm thức , ta cần phải dựa vào ý nghĩa của các biểu tượng (symbols), các ấn tượng trực tiếp để lại bởi những hình ảnh xuất hiện trong tâm trí , thì mới có hy vọng am hiểu đuợc các thông điệp gửi đến từ cái thế giới sâu kín này . Thêm vào đó, còn một điều rắc rối phức tạp đáng ghi nhớ nữa là TBT có thể xuất hiện dưới nhiều "dạng ảnh" khác nhau, tùy theo tâm trạng từng cá nhân, tùy theo từng hoàn cảnh ..v..v.. . Nói một cách khác, khi hướng vào TBT ta sẽ phát hiện một bức tranh linh hoạt , một màn phim sống động , chứ không phải là các ký hiệu khô khan của một quy tắc cố định nào hết .

Theo chuyên gia Neumann thì cái màn ảnh của TBT trong cõi tiềm thức thường đuợc dàn xếp theo một phương cách như sau :

“The form of representation peculiar to the unconscious is not that of the
conscious mind. It neither attempts nor is able to seize hold of and define
its objects in a series of discursive explanations, and reduce them to
clarity by logical analysis. The way of the unconscious is different.
Symbols gather round the thing to be explained, understood, interpreted.
The act of becoming conscious consists in the concentric groupings of
symbols around the object, all circumscribing and describing the
unknown from many sides. Each symbol lays bare another essential side
of the object to be grasped, points to another facet of meaning. Only the
canon of these symbols congregating about the centre in question, the
coherent symbol group, can lead to an understanding of what the
symbols point to and of what they are trying to express.” (The Origins and
History of Consciousness, Erich Neumann)

tạm phỏng dịch :
Đường lối trình bầy của cõi tiềm thức không giống như những phương cách thường dùng bởi tri thức của ta . Nó không dựa vào các định nghĩa dài dòng mà mô tả các chủ đề để rồi phân tích và rút gọn chúng lại bằng lý lẽ . Đằng khác, nó như thế này : Các ảnh tượng sẽ xuất hiện xung quanh cái chủ đề cần đuợc thấu hiểu . Rất nhiều ảnh tượng như vậy, đuợc dàn xếp trên những vòng tròn đồng tâm vây quanh cái chủ đề chính ở giữa , với dụng ý biểu lộ cho hết đủ mọi khía cạnh của cái điều bí ẩn nơi tâm điểm . Cách quy tụ thành nhóm của những ảnh tượng này sẽ mở đường cho ta thấy cái chủ đề, cái ý nghĩa cốt yếu nằm sâu bên trong ...

Bây giờ để có một thí dụ điển hình, ta hãy thử xem xét một TBT mà Carl Jung gọi là "The Self" (tạm dịch là "Chân Nhân" ) . Đây là cái TBT chủ chốt trong đời người , nó chỉ định tới toàn thể thần hồn (psyche) của một cá nhân . Nên nhớ rằng "Chân Nhân" khác biệt với "cái ngã", cái ta (ego) . Theo Carl Jung thì "cái ngã" (ego) chỉ là trọng tâm của tri thức (consciousness) thôi , trong khi đó "Chân Nhân" (The Self) ám chỉ chẳng những cái tâm điểm mà còn bao gồm cả chu vi của tiềm thức (unconscious) lẫn tri thức (concious) .

"Chân Nhân" là nguồn cội nảy sinh ra các ảnh tượng của những mẫu người siêu việt, chẳng hạn như hình ảnh vua chúa, như bậc anh hùng, tiên tri, hiền tài ... Thêm vào đó , "Chân Nhân" cũng thể hiện qua những dạng thức tượng trưng cho cái sự phối hợp chu toàn nhất thể, chẳng hạn như cái hình tròn với tâm điểm ở giữa , hay cái hình vuông với bốn góc, bốn khía cạnh. "Chân Nhân" còn ám chỉ sự kết hợp của các điều tương phản trong thế gian , tượng trưng bởi cái biểu hiệu âm-dương (yin-yang) xoay quyện lẫn nhau (trong đồ hình bát quái) . Nói chung , "Chân Nhân" tượng trưng cho cái mục tiêu lý tưởng mà con người cần hướng tới trong cuộc sống: ráng sao hoà hợp đuợc mọi lực lượng đối nghịch, cố sao đạt đuợc một trạng thái quân bằng vững vàng giữa bao nhiêu lôi kéo xô đẩy đến từ ngoại cuộc hay nổi lên từ nội tâm .

Carl Jung còn nêu ra vài TBT chính yếu khác mà ông cho rằng có ảnh hưởng rất đáng kể tới cuộc sống của người đời . Đó là:

Persona: ( Thể Diện ) - bao gồm các bộ mặt, các diện mạo mà ta có thể xử dụng mỗi khi phải khoác một vai trò cần đảm nhiệm trong xã hội . Nó giúp ta đối phó một cách thích hợp với những bối cảnh thay đổi liên miên của cuộc sống .

Shadow: ( Cái Bóng ) - chứa đựng những khía cạnh tối tăm của tiềm thức, những cá tính trong thâm tâm như lòng tham, dục vọng, hờn ghét, oán hận .v.v., những thứ mà bình thường ta luôn đè nén, phủ nhận bởi lẽ chúng không phù hợp với các nguyên tắc đạo lý của xã hội . Tuy ta không muốn biết , không chấp nhận những thứ này , nhưng trong đời sống vẫn khó mà thoát khỏi mọi ảnh hưởng của chúng . Cái Bóng có thể xuất hiện trong giấc mơ ngủ duới các dạng thức như loài rắn , hay quái vật, hoặc là ma quỷ lạ lùng .

Animus / Anima : (Nam tính / Nữ tính) - theo suy luận của Carl Jung thì Animus tượng trưng cho cái nam tính trong thần hồn (psyche) của giới phụ nữ, và ngược lại Anima là biểu hiện của cái nữ tính tiềm tàng trong thần hồn của đàn ông . Xưa nay cái nếp sống bình thuờng của xã hội luôn gò ép sinh hoạt của hai giới tính này vào hai khuôn khổ riêng biệt , đàn ông cho ra đàn ông , đàn bà cho ra đàn bà . Tuy nhiên, cả hai nam tính và nữ tính luôn luôn hiện diện trong tiềm thức tập thể và dĩ nhiên sẽ có nhiều tác dụng ngấm ngầm đến tiềm thức của mọi cá nhân, không lệ thuộc gì vào cái giới tính của thể xác .

~
Đa số chúng ta có lẽ chưa hề nghe tới "archetype", và chẳng biết "Tiềm Biểu Tượng" là cái quái gì . Tuy nhiên , hiếm mấy ai mà không trải qua những thể nghiệm với các ấn tượng quái dị lạ lùng hoặc là đến từ trong mơ, hoặc có khi cứ đột nhiên vô cớ xuất hiện trong tâm thức . Carl Jung đã ra công nghiên cứu về điều này và rồi đưa ra một mô hình diễn tả sự tình một cách có quy củ , nhằm mục đích giúp ta nới rộng tầm nhận thức, thấu hiểu rõ hơn các lực lượng tuy là tiềm tàng và bí ẩn nhưng vẫn luôn điều động không ngừng mọi nhịp sống của nhân gian .

Coin Marketplace

STEEM 0.28
TRX 0.24
JST 0.040
BTC 94957.40
ETH 3309.45
USDT 1.00
SBD 7.50