Trung Quốc âm thầm mở rộng quyền lực ở châu Phi như thế nào?
Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh StarTimes đang từng bước xâm chiếm thị trường châu Phi và được hậu thuẫn mạnh mẽ từ trong nước, bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ở ngoại ô thủ đô Nairobi, Kenya, Michael Nganga đang xem một bộ phim Kung Fu của Trung Quốc, theo CNN.
Căn nhà nhỏ của người đàn ông này ở làng Limuru còn thiếu nước sạch, còn tường thì chỉ là tấm kim loại tạm bợ, trong khi ở bên ngoài, gà chạy khắp vườn.
Người đàn ông có hai con này sống bằng nghề sửa giày, có một thiết bị thu sóng truyền hình vệ tinh lớn do Trung Quốc sản xuất. Thiết bị kết nối với chiếc tivi cũ và xem được hàng trăm kênh khác nhau, nhiều kênh thậm chí được truyền thẳng từ Bắc Kinh.
“Có nhiều kênh truyền hình để xem cũng tốt”, Nganga nói. “Bởi vì nó giúp bạn biết thế giới đang thay đổi theo từng ngày”.
Nganga biết chuyện gì xảy ra trên khắp thế giới nhờ vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Năm 2015, ông Tập công bố dự án cung cấp truyền hình vệ tinh đến những ngôi làng hoang sơ như nơi Nganga sinh sống.
Trước khi có truyền hình vệ tinh Trung Quốc, việc xem truyền hình là quyền lợi riêng của những người giàu có ở Kenya.
Ông Tập đề ra mục tiêu lập mạng lưới truyền hình vệ tinh phủ sóng toàn bộ châu Phi, đến cả những nơi hẻo lánh nhất. Điều đáng nói là sóng truyền hình nhờ vệ tinh, được truyền thẳng từ Bắc Kinh, đến những ngôi nhà ở Kenya.
Theo CNN, đó là cách mà Trung Quốc đang mở rộng quyền lực mềm ở lục địa này, song song với những hoạt động như cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng.
Sau 4 năm, đài truyền hình StarTimes của Trung Quốc phát sóng các dịch vụ trả tiền tại 30 quốc gia châu Phi, thu hút 10 triệu người đăng ký hàng tháng. Trung Quốc đặt mục tiêu thâu tóm thị trường truyền hình ở lục địa có 1,2 tỷ dân này.
Sự trỗi dậy của StarTimes khiến nhiều chuyên gia lo ngại, rằng một công ty có mối quan hệ gần gũi với chính quyền ở Bắc Kinh như vậy liệu đang có quá nhiều tầm ảnh hưởng đến mạng lưới truyền hình châu Phi?
Ở một phương diện nào đó, StarTimes cũng đang vươn lên mạnh mẽ như Huawei. Trong khi Huawei mở rộng thị trường đến Mỹ, đầu tư vào mạng 5G khiến cả phương Tây lo lắng, không nhiều người biết đến hoạt động âm thầm ở châu Phi của StarTimes.
Ngày nay, StarTimes cung cấp dịch vụ giá rẻ đến mức không ngờ cho người dân các quốc gia châu Phi. Họ chỉ phải trả số tiền tương đương 4 USD/tháng, trong khi công ty sẽ miễn phí lắp đặt các thiết bị thu, phát sóng.
StarTimes hiện là công ty tư nhân Trung Quốc duy nhất được cấp giấy phép kinh doanh truyền hình và radio ở nước ngoài. Ngân hàng nhà nước EXIM bank của Trung Quốc cho công ty này vay những khoản tiền hàng trăm triệu USD để đầu tư vào thị trường châu Phi.
Không rõ StarTimes làm ăn lời lãi ra sao, nhưng công ty đã khiến nhiều người phải lo lắng. Hàng loạt tờ báo ở châu Phi từng đăng tải bài viết với tựa đề: “StarTimes đang chiếm trọn cả thị trường truyền hình của châu Phi”.
Ở Zambia, StarTimes đạt thỏa thuận với đài truyền hình quốc gia, giúp quốc gia này chuyển sang phát sóng truyền hình số. Đổi lại, StarTimes kiểm soát tới 25% cổ phần truyền hình quốc gia Zambia trong 25 năm.
Điều tương tự cũng xảy ra ở các quốc gia khác như Ghana. StarTimes cam kết xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng để phát sóng truyền hình số.
“Một ngày StarTimes rút khỏi các quốc gia này, truyền hình của họ đơn giản là ngừng hoạt động”, một chuyên gia tên Madrid-Morales nói.
Nhưng StarTimes không đơn thuần đem tiền từ Trung Quốc đến đầu tư. Để được xây dựng truyền hình vệ tinh, Zambia đã phải ký thỏa thuận vay 271 triệu USD từ ngân hàng EXIM bank của Trung Quốc. “Số tiền vay nằm trong dự án của chính phủ Trung Quốc đầu tư vào Zambia. Điều đó có nghĩa là nhiều người ở quốc gia châu Phi này coi StarTimes và chính phủ Trung Quốc là một”.
Dĩ nhiên, StarTimes cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các hãng truyền hình trả tiền khác của nước ngoài, nhưng hiếm có hãng nào cung cấp dịch vụ rẻ như công ty Trung Quốc.
StarTimes cũng khéo léo cung cấp kênh truyền hình mà người châu Phi ưa thích, xen vào đó là những kênh truyền hình truyền tải văn hóa, phim ảnh Trung Quốc, để phác họa Trung Quốc là một quốc gia giàu có, hiện đại, Madrid-Morales nói.
Trong bối cảnh châu Phi vẫn đang chuyển mình sang công nghệ số, số người sử dụng dịch vụ thường xuyên của StarTimes được dự báo sẽ tăng lên 14,85 triệu vào năm 2024, vượt qua đối thủ sừng sỏ khác là MultiChoice của Nam Phi.
Điều này sẽ càng mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, nơi vốn không được phương Tây đầu tư mạnh mẽ. Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Phi cũng không có lý do gì lo lắng về ảnh hưởng của StarTimes, so với phương Tây lo lắng về Huawei.
Madrid-Morales nói những lo ngại về việc StarTimes thống trị thị trường truyền hình châu Phi vẫn chỉ dừng lại ở mức khả năng. Bản thân các quốc gia châu Phi không thể có mạng lưới truyền hình số như ngày nay nếu không có Trung Quốc, vì chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và mạng lưới là rất lớn.
“Để được xây dựng cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc hàng đầu thế giới, các quốc gia châu Phi đã chấp nhận đánh đổi, dù rủi ro luôn treo lơ lửng trên đầu”, Madrid-Morales nói.