15 days' Practice for IELTS Writing - Park 1
Phụ lục
Lộ trình Writing 7.0 cho người mới bắt đầu………………………………………………………….
Lời mở đầu…………………………………………………………………………………………………
Ngữ pháp – các công cụ cơ bản để viết…………………………………………………………..
Cách viết câu đơn………………………………………………………………………………………
Các cách viết câu dài………………………………………………………………………………….
Các liên từ dễ dùng trong Writing……………………………………………………………………
Dạng từ: danh – động – tính…………………………………………………………………………..
To V/ V-ing………………………………………………………………………………………………...
Các thì nên dùng trong Writing………………………………………………………………………
Task 1
Giới thiệu chung về Task 1………………….
Các loại đề bài Task 1……………………….
Cấu trúc bài Task 1 hoàn chỉnh……………
Cách paraphrase đề bài Task 1…………...
Câu nhận xét chung trong Task 1………...
Các cách nói tăng-giảm…………………...
Cách miêu tả sự tăng-giảm………………..
Cách miêu tả sự dao động/ sự bất động…………………………………………….
Cách đọc bảng nhiều dữ liệu……………..
Cách tiếp cận bài quy trình………………..
Cách tiếp cận bài bản đồ…………………
Task 2
Các chủ đề phổ biến trong Task 2…………
Cách tìm ý trong Task 2……………………….
Đọc và hiểu yêu cầu đầu bài Task 2……….
Mở bài – Opinion……………………………….
Mở bài – Discussion…………………………….
Mở bài – Problem/Solution……………………
Mở bài – 2 - part Question……………………
Thân bài: cho phép……………………………
Thân bài: tác hại……………………………….
Thân bài: lợi ích…………………………………
Thân bài: nhiều và ít……………………………
Kết bài – các cách viết khác nhau………..
Từ vựng theo chủ đề…………………………................................................................................
Các nguồn tài liệu........................................................................................................................
Bài mẫu...........................................................................................................................................
IELTS Writing: Nó là gì và học như thế nào?
IELTS Writing là bài thi thứ 3 trong kì thi IELTS, thường được tổ chức trong cùng một ngày với kì thi Nghe (Listening) và Đọc (Reading). Trong bài thi này, thí sinh được kiểm tra về khả năng sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên và học thuật để tạo ra ngôn ngữ viết.
Cần phải lưu ý rằng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có rất nhiều điểm khác nhau. Ngôn ngữ viết mang tính trang trọng (formal) và gọn gàng, không lặp lại. Ngôn ngữ nói có thể bao gồm nhiều cách diễn đạt thành ngữ tục ngữ và cho phép thí sinh được lặp lại từ.
Bài thi Writing của IELTS kéo dài 1 tiếng đồng hồ, và yêu cầu thi sinh viết 2 bài văn ngắn.
Task 1: 150 từ (khoảng 10 – 15 câu) - thường được viết trong vòng 20 phút. Bài Writing Task 1 kiểm tra khả năng phân tích dữ liệu (biểu đồ, bản đồ & sơ đồ) và chuyển thể chúng thành một bài văn có nghĩa, có sự liên quan và so sánh giữa các dữ liệu.
Task 2: 250 từ - thường được viết trong vòng 40 phút. Bài Writing Task 2 yêu cầu thí sinh thể hiện ý kiến cá nhân và/hoặc phân tích về một vấn đề trong xã hội. Các vấn đề này có thể thuộc nhiều chủ đề khác nhau, như: giáo dục, việc làm, tội phạm, phát triển xã hội, gia đình, …
Vậy làm thế nào để chúng ta ôn tập cho phần thi Writing? Nhiều thí sinh hay bị choáng ngợp bởi vấn đề từ vựng trong Writing, vì ở bài thi này, các bạn không được lạm dụng các từ đơn giản trong cuộc sống hang ngày, mà phải thể hiện một vốn từ tương đối học thuật. Tuy nhiên, từ vựng là thứ cuối cùng mà bạn cần quan tâm tới trong quá trình ôn tập. Để đạt được mức khá (7.0-7.5), bạn thật sự không cần biết quá nhiều từ khó, và vốn từ đơn giản là quá đủ để bạn có thể viết được một bài văn hoàn chỉnh. Tất nhiên, mức độ khó hay đơn giản là chủ quan và tùy thuộc vào mỗi người. Trong sách này, tác giả sẽ định nghĩa “đơn giản” là những từ các bạn đã tiếp xúc trong sách giáo khoa trong cấp 2 và cấp 3.
Nói như vậy có nghĩa là bạn cần phải thật chắc ngữ pháp trước khi bắt đầu kì thi IELTS. Việc chắc ngữ pháp sẽ giúp bạn đạt điểm cao trong các tiêu chí Grammatical Range & Accuracy và Coherence and Cohesion. Nó sẽ giúp các bạn viết được câu dài hơn, và thể hiện được nổi bật mối quan hệ giữa các câu với nhau.
Với ngữ pháp, các bạn sẽ phải nắm chắc các chủ điểm sau:Chia động từ ở các thì cơ bản (Present Simple, Past Simple, Future Simple, Present Perfect) và cách nối giữa các động từ trong câu (to V & V-ing)
Các loại câu phổ biến trong tiếng Anh: câu chủ động, câu bị động, câu điều kiện
Các động từ khuyết thiếu (modal verbs)
Các giới từ cơ bản (in, on, at, with, without, of, from, to)
Các liên từ cơ bản dùng ở đầu câu và giữa câu
Sách này sẽ không dạy bạn các chủ điểm ngữ pháp trên, mà chỉ hướng dẫn cho bạn lúc nào dùng kiến thức nào cho phù hợp. Tuy nhiên, bạn có thể ôn nhanh chóng các chủ điểm trên bằng cách search Google, hoặc bằng quyển Grammar in Use của Raymond Murphy – quyển sách ôn ngữ pháp tốt nhất trên thị trường.
Sau khi đã nắm chắc các chủ điểm ngữ pháp nói trên, bạn có thể bắt tay vào luyện viết. Và đây là mục đích của cuốn sách này. Sách đã bao gồm tất cả các dạng đề của Writing Task 1 và 2, cho các bạn một phương pháp viết bài bản cho từng dạng bài. Các bạn hãy luyện theo từng chủ điểm một, và sau khi hoàn thành sách, các bạn đã sẵn sàng để luyện viết theo đề. Sách có bao gồm 50 đề sưu tầm từ các nguồn Writing uy tín nhất ở trên mạng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tự tìm các đề Writing để luyện tập từ các nguồn đã cho.
Học phải đi đôi với hành, và điều này đặc biệt đúng trong quá trình ôn luyện cho IELTS, đặc biệt là IELTS Writing. Để viết được một bài văn hay, ngoài việc sử dụng ngữ pháp chính xác và các từ ”khủng”, các bạn cần tự trau dồi cho bản thân các kiến thức về xã hội. Thực sự, sau quá trình ôn luyện cho IELTS, mình cảm thấy hiểu thêm nhiều về các vấn đề xung quanh mình trong cuộc sống, và cảm thấy tự tin hơn vì giờ đây mình đã tự có tiếng nói riêng về các vấn đề này. Các kiến thức về xã hội có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu. Bạn có thể đọc báo bằng tiếng Anh trong lúc ôn Reading, hoặc đơn giản là xem kênh 14, Dân Trí, Vietnamnet, hoặc thời sự cùng gia đình vào 19h hàng ngày. Những kiến thức này chỉ là những thông tin chung chung để các bạn hiểu được điều gì đang diễn ra quanh mình, phục vụ rất thực tiễn vào việc bạn lấy ví dụ trong Writing, đặc biệt là Task 2, và chúng không cần thiết phải là tiếng Anh.
Mình cảm ơn vì các bạn đã chọn … làm tài liệu để ôn tập cho kì thi IELTS Writing. Trong lúc quá trình nghiên cứu và viết sách, mình tự cảm thấy kĩ năng viết của bản thân cũng được cải thiện hơn nhiều, và mình hi vọng bạn cũng sẽ có được trải nghiệm tương tự khi gấp lại trang cuối của cuốn sách này. Chúc các bạn đạt được điểm như mong đợi hoặc cao hơn nữa trong kì thi IELTS, và quan trọng nhất là hãy tận hưởng và có thật nhiều niềm vui trong quá trình ôn tập!Thân ái,
Cách viết một câu đơn trong tiếng Anh - IELTS
Bài này dành cho các bạn chân ướt chân ráo trong tiếng Anh, nếu các bạn tự tin về khả năng ngữ pháp của mình rồi thì xin mời bỏ qua.
Các bạn ạ, câu đơn là đơn vị cơ bản nhất để các bạn viết hoặc nói, chứ không phải là từ. Một từ đứng một mình có nghĩa nhưng không phục vụ mục đích gì cả. Muốn người khác hiểu ý bạn đang diễn đạt, bạn phải thể hiện nó dưới dạng một câu hoàn chỉnh như sau:
S + V + O
Câu nào, dù trong IELTS hay không, cũng nói về một cái gì đấy (S) đang làm gì (V) như thế nào (O). Phần O có thể là làm hành động đấy với chủ thể nào khác (Tôi ăn. ăn cái gì? Tôi ăn kem), làm hành động đấy ở đâu (Tôi đi đến trường) hoặc làm hành động đấy một cách như thế nào (tôi chạy nhanh). Vậy khi viết một câu trong tiếng Anh, các bạn cần xác định những yếu tố cơ bản như vầy trước khi thêm thắt mắm muối vào từng phần.
A. Subject
Phần S là Subject - Chủ ngữ. Như tiếng Việt, chủ ngữ tiếng Anh phải là một danh từ. Điều này đặt ra một vấn đề mà chúng ta ít khi suy nghĩ trong tiếng Việt, đó là: đâu là danh từ chính? đâu là danh từ phụ?
Việc xác định chính phụ trong danh từ rất quan trọng, tại sao? Trong tiếng Việt, chúng ta không "chia" động từ. Lấy ví dụ 2 câu: "Tôi ngủ", và "Cô ấy ngủ". Chúng ta thấy động từ "ngủ" hoàn toàn giống nhau ở cả 2 câu, mặc dù chủ ngữ khác nhau (tôi và cô). Các bạn có thể nghĩ: Ừ thì điều này hiển nhiên mà! Nhưng điều này không hiển nhiên trong tiếng Anh. Trong tiếng Anh, các bạn phải xác định chủ ngữ là nhiều hay ít, là ngôi thứ mấy, để biến đổi động từ cho thích hợp. Tiếng Anh có "I sleep", nhưng cô ấy thì phải là "she sleeps".
Nếu chủ ngữ của chúng ta chỉ là một danh từ đơn giản, thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu chủ ngữ là một tập hợp các danh từ, thì chúng ta cần xác định thằng nào là chính.
Ví dụ: "hệ thống điều hoà"
Nhiều người tưởng trọng tâm ở đây phải là "điều hoà", nhưng thực ra nó là "hệ thống". Nếu bạn đặt vào một câu thế này thì sẽ rất dễ hiểu:
"Hệ thống điều hoà rất lớn".
Vị ngữ "rất lớn" là để nói đến cái "hệ thống", chứ không phải là "cái điều hoà rất lớn".
Các bạn cần xác định đúng danh từ trong các trường hợp sau:
a. Danh từ bổ trợ danh từ
Lấy cụm "hệ thống điều hoà" làm ví dụ. Trong tiếng Anh, cụm này là air conditioner system. Các bạn chú ý là từ "hệ thống" (system) ở đằng sau, còn "điều hoà" (air conditioner) ở đằng trước. Đây là cách viết trong tiếng Anh. Các bạn có thể dùng danh từ bổ trợ cho danh từ, nhưng thằng mà câu đang nói tới là thằng cuối cùng.
Một số ví dụ khác: finance major (sinh viên ngành tài chính), post office (bưu điện), stamp collector (nhà sưu tập tem), ...
b. Danh từ thuộc danh từ khác
Khái niệm sở hữu trong tiếng Anh rất phổ biến. Đây lại là một khái niệm thường bị bỏ quên trong tiếng Việt. Chúng ta hay nói "vị trí toà nhà", nhưng trong tiếng Anh, người ta suy nghĩ là "vị trí của toà nhà". Cụm này trong tiếng Anh là: the location of the building.
Nếu đặt trong câu: the location of the building is convenient.
=> vị trí toà nhà rất tiện lợi.
Chúng ta có thể thấy là câu này muốn nói cái vị trí tiện lợi chứ không phải là cái toà nhà tiện lợi. Vậy nếu các bạn nhìn thấy một cụm là "A of B", nó đang muốn nói đến cái A. Hoặc khi bạn viết "A of B", lưu ý rằng bạn đang nói đến A chứ không phải B.
Có một cách khác chúng ta có thể nói sở hữu, đó là "B's A" - vẫn là A của B. Ví dụ, bạn muốn nói là "phát ngôn viên của chính phủ", ngoài cách viết xuôi: the speaker of the government, bạn có thể viết: the government's speaker.
Vậy, các động từ đi đằng sau sẽ thuộc về "speaker" chứ không phải "government".
The government's speaker is handsome. (phát ngôn viên của chính phủ đẹp trai)
=> Phát ngôn viên đẹp trai chứ không phải chính phủ đẹp trai.
c. Danh từ ở trong một danh từ khác
Ngoài "of" hoặc " 's " để nói sở hữu, trong tiếng Anh, chúng ta còn có các cụm danh từ như sau: "A in B", "A on B", "A with B"
Ví dụ: The man in the grey suit => người đàn ông trong bộ vest xám
Một lần nữa, chủ ngữ chính là "người đàn ông" chứ không phải bộ vest. Hãy nhìn nó ở trong câu sau:
The man in the grey suit is my father.
=> Người đàn ông trong bộ vest xám là bố tôi, chứ không phải bộ vest là bố tôi.
B. Verb
Sau khi biết được chúng ta muốn viết về cái gì (subject), chúng ta sẽ nghĩ đến hành động của cái đấy (verb). Các bạn chú ý các động từ trong tiếng Anh được chia ra 2 loại chính, đó là actions (hành động) và to be (là). Từ "to be" thực ra không nên được dịch ra, hãy nghĩ nó giống 1 từ đệm thì đúng hơn.
Động từ là phần đơn giản nhất trong câu, và cũng là phần phức tạp nhất của câu. Đơn giản bởi vì nó là phần ngắn nhất, không "oằn tà là vằn" như chủ ngữ hay bổ ngữ. Tuy nhiên, động từ trong tiếng Anh phải được "chia".
Thuật ngữ "chia" khá lạ lẫm với những người học tiếng Anh, và là một thao tác mà chúng ta thường bỏ qua vì ... lười. Ví dụ: từ "go" đúng là "đi", nhưng nếu bạn nói cô ấy đi thì phải là "she goes..." chứ không phải "she go..." Đừng phạm sai lầm về chia động từ trong tiếng Anh. Nếu bạn còn cảm thấy mình chưa biết chia động từ, hãy mua ngay quyển English Grammar in Use về nhà luyện. Có lẽ đây là quyển sách quan trọng nhất trong quá trình học tiếng Anh của bạn đấy!
C. Bổ ngữ
Các bạn có thể thấy là hầu như chúng ta không bao giờ nói các câu chỉ có 1 Chủ và Vị như:
I teach.
I run.
She eats.
We study.
Thật vậy, những câu ở trên không cho ta nhiều thông tin. Phần bổ ngữ trong câu thường là các thông tin chúng ta muốn tìm hiểu, ví dụ:
I teach => Tôi dạy. Dạy cái gì? Dạy ở đâu? Dạy hay hay dở?
Vậy nên, các bạn có thể viết được ít nhất 3 câu để trả lời các câu hỏi trên:
I teach English => Câu này trả lời cho câu hỏi "What?", tức là tôi dạy cái gì.
I teach at school => câu này trả lời cho câu hỏi "Where?", tức là tôi dạy ở đâu.
I teach very well => câu này trả lời cho câu hỏi "How?", tức là tôi dạy như thế nào.
Các bạn thấy đấy, phần bổ ngữ có thể được viết để trả lời 1 trong các câu hỏi ở trên hoặc nhiều câu hỏi cùng lúc. Chúng ta cần xác định thông tin chúng ta muốn cho người đọc biết trước khi đặt bút viết câu để tránh tình trạng rối ý.
Rất nhiều bạn làm bài theo phương pháp dịch từ Việt - Anh. Nhiều người trong số này thành công, nhưng không ít viết nên những đoạn văn chả có nghĩa gì cả. Sự khác nhau là ở đâu?
Các bạn thành công với phương pháp dịch từ Việt - Anh thường tư duy tiếng Việt bằng "ý" chứ không phải từng từ một. Ví dụ, chúng ta sẽ không đặt một câu loằng ngoằng thế này để dịch sang tiếng Anh:
Giả sử ta lấy bóng đá làm ví dụ: bóng đá thì nó là một môn thể thao đã được ưa chuộng trên toàn cầu rồi.
=> Assume we take football as an example: football it is a sport is a favorite in the world already.
Đây sẽ là 1 câu ta nói trong tiếng Việt, nhưng ở trong tiếng Anh các phần thừa thãi được "bôi đen" không có. Các bạn hãy nhớ lại rằng, chúng ta đang cố tư duy theo người nước ngoài, chứ không phải bắt người ta tư duy theo mình.
Thay vào đó, tiếng Anh chỉ tập trung vào: S là gì, V là gì và O là gì
=> Take football for example: Football is already a favorite sport in the world.
Các bạn chỉ nên dùng tư duy tiếng Việt để xác định S + V + O, chứ không dùng nó để viết 1 câu hoàn chỉnh. Ví dụ, các bạn có thể tư duy một cách đơn giản như sau:
bóng đá ... môn thể thao ưa chuộng ... thế giới.
Cách viết câu dài trong tiếng Anh - IELTS
Trong Task 2, các câu kiểu như:
Smoking is bad.
Playing sports is good.
Children are watching too much TV.
chắc chắn sẽ huỷ hoại điểm band của bạn một cách tàn bạo. Các câu này, như các bạn có thể thấy, có độ dài quá "khiêm tốn". Trong Speaking chúng ta có thể nói câu ngắn, nhưng trong Writing chúng ta phải viết câu dài.
Tại sao IELTS yêu cầu viết câu dài?
IELTS là kì thi đánh giả khả năng ngôn ngữ của thí sinh. Nếu thí sinh, mặc dù tiếng Anh tốt, chỉ viết ngắn, nói ngắn, người chấm thi sẽ không có cơ sở đánh giá được khả năng ngôn ngữ của họ. Vì vậy, những người thi IELTS luôn cố gắng viết hoặc nói dài để có "đất" thể hiện được hết vốn từ vựng và ngữ pháp của bản thân.
Làm sao để viết câu dài?
Có một số cách rất dễ dàng để chuyển một câu cụt lủn thành một câu "văn thơ lai láng chảy tồ tồ" trong Task 2:
A. Giải thích
Nếu các bạn để ý, các từ "bad", "good" và "too much" ở trên không cho người đọc biết được thông tin gì cụ thể. Nếu các bạn đang sử dụng các từ này, hãy tự hỏi "bad như thế nào?", "good như thế nào?" và "thế nào mới là how much?"
Nếu bạn suy nghĩ, bạn sẽ thấy mình có thể kĩ hơn là:
Smoking => hại sức khoẻ
Playing sports => tốt cho sức khoẻ
Too much TV => nhiều hơn mức nên làm
Vậy, chúng ta có thể viết lại câu là:
Smoking is bad for health
Playing sports is good for health
Children are watching TV far more often than they should.
B. Bổ trợ các từ
Tương tự với nguyên tắc giải thích ở trên, chúng ta có thể làm dài câu bằng cách bổ trợ cho các từ đã có, ví dụ:
Smoking? Smoking như thế nào?
=> Frequent smoking (hút thuốc thường xuyên)
(?) Frequent có cách nói nào khác dài hơn không?
=> Smoking on a regular basis is bad for health
Playing sports? Sports gì?
=> Playing competitive sports (chơi thể thao cạnh tranh)
(?) playing có đơn giản quá không?
=> Participating in a number of competitive sports is good for health
(*) Chú ý, với các danh từ số nhiều, các bạn có thể tranh thủ sử dụng các từ "nhiều" như: a number of, various, a variety of, ...
Children? Children nào?
=> Children before secondary school are watching TV far more often than they should.
C. Sử dụng mệnh đề quan hệ
Mệnh đề quan hệ (which, who, that, whose, whom, ...) là công cụ rất dễ dùng để có thể nối dài câu. Đơn giản là bạn sẽ dùng mệnh đề quan hệ để mở rộng nghĩa cho 1 danh từ, hoặc cả 1 câu. Ví dụ:
Smoking, an activity which most men in Vietnam do everyday, is bad for health
Playing competitive sports which involves a lot of physical activities (hoạt động thể chất) is good for health
Mở rộng cho cả câu:
Children are watching TV far more often than they should, which affects their mind and body in a negative way.
D. Trả "chủ" cho danh từ
Thực ra nguyên tắc này giống với phần giải thích. Bạn có thể, thay vì chỉ gọi tên danh từ, gắn một sở hữu nào đấy cho danh từ. Ví dụ:
Smoking is bad for people's health.
Playing sports is good for children's health.
Đây là 4 phương pháp phổ biến để mở rộng câu cả về mặt nghĩa cũng như số lượng từ. Các bạn có thể sử dụng chỉ 1, hoặc có thể kết hợp 2,3, thậm chí là cả 4 phương pháp để viết câu. Tuy nhiên, nên lưu ý không lạm dụng các phương pháp này để tạo ra những câu lủng củng, giải nghĩa những cái không cần thiết.
Các liên từ dễ dùng trong IELTS Writing
Liên từ là các từ dùng để liên kết. Trong Writing, một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất là sự liền mạch của đoạn văn. Ngoài việc đảm bảo là các câu của bạn không "đá" nhau, bạn còn phải thêm vào các từ liên kết để làm nổi bật mối quan hệ giữa các câu.
A. Mối quan hệ:
Giữa 2 câu với nhau, có 2 mối quan hệ chính là: bổ sung và tương phản.
a. Bổ sung
Hãy nhìn vào hai câu sau:
My wife is beautiful. She cooks very well.
Câu đầu nói về một phẩm chất tốt (+) của my wife là "beautiful". Câu sau cũng nói về một phẩm chất tốt nữa là "cooks very well". Vậy mối quan hệ của hai câu này là bổ sung. Chúng có cùng một thái độ tích cực.
Dưới đây là một ví dụ hai câu tiêu cực bổ sung cho nhau:
My boss is short-tempered. He is mean and overbearing.
Hai câu này cùng nói về các phẩm chất tiêu cực, đó là: short-tempered, mean và overbearing.
b. Tương phản
Ngược lại với mối quan hệ bổ sung, đương nhiên sẽ là tương phản. Đây là trường hợp hai câu có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau:
My husband is not handsome. He makes a lot of money.
=> Phẩm chất "not handsome" (không đẹp trai) là một phẩm chất tiêu cực (-), nhưng "makes a lot of money" (kiếm nhiều tiền) lại là tích cực (+). Thế nên, giữa hai câu này phải có một mối quan hệ tương phản.
B. Các liên từ thông dụng
Với hai mối quan hệ ở trên, chúng ta có thể chia ra làm hai nhóm liên từ chính là nhóm bổ sung và tương phản.
+) Bổ sung: có rất nhiều liên tử bổ sung, và chúng có các chức năng rất khác nhau, mặc dù cùng là bổ sung.
Thêm một đặc điểm mới: Additionally/Furthermore. Đây là 2 liên từ tiêu biểu dùng để thêm vào một đặc điểm mới cho danh từ mới nói ở câu trước. Ví dụ:
Shopping is a waste of time. Furthermore, it costs a lot of money.Giải thích đặc điểm ở câu trước: In fact/Actually. Để giải thích, cho ví dụ minh hoạ cho một điều đã khẳng định ở câu trước, hai cụm "thực tế là..." này có thể được đặt ở đầu câu tiếp theo:
Shopping is a waste of time. In fact, it takes most of our free time.Dẫn đến một kết quả/kết luận: Therefore. Khi muốn dùng câu trước làm một nguyên nhân và câu tiếp theo là một kết quả, bạn có thể dùng từ "therefore" (bởi vậy) ở đầu câu sau:
Shopping is a waste of time. Therefore, we should spend less time shopping.
+) Tương phản: Các từ tương phản có 2 chức năng chính là: thể hiện điều ngược lại hoặc thể hiện 1 mặt khác của vấn đề:
- Thể hiện điều ngược lại: However/ Nevertheless
Shopping is a waste of time. However, it is a lot of fun.
=> Mua sắm rất tốn thời gian. Tuy nhiên, nó lại rất vui.
Chúng ta có thể thấy là "tốn thời gian" là (-), còn "vui" là (+).
- Thể hiện mặt khác của vấn đề: Contrarily/ In contrast/ On the other hand
Chúng ta dùng câu này để khai thác một khía cạnh khác của vấn đề mà chúng ta đang nói tới.
Shopping is a waste of time. On the other hand, studying is a good use of time.
Các từ ở trên đều là các từ đặt ở đầu câu, rất dễ dùng. Bạn chỉ cần viết từ đấy + dấu phẩy là đã tạo ra quan hệ của câu rồi. Tuy nhiên, có một cách khác để tạo quan hệ cho câu: kết hợp chúng làm một.
+) Mối quan hệ nguyên nhân/kết quả: Các bạn có thể sử dụng một từ khá quen thuộc là "because" hoặc các từ tương đương như "because of", "thanks to", "due to", nhưng nhớ là sau 3 cụm này là một cụm danh từ, còn sau "because" là một câu.
Shopping is a waste of time. Therefore, we should spend less time shopping.
=> Because shopping is a waste of time, we should spend less time shopping.
Các bạn chú ý là trong tiếng Việt chúng ta nói "Bởi vì..., vậy nên..." nhưng trong tiếng Anh, dấu phẩy đã thay thế từ "vậy nên" rồi nên bạn sẽ không nói lại nữa mà chỉ bắt đầu vế mới luôn.
+) Mối quan hệ 2 chiều: Ngoài cách nói "on the other hand", các bạn còn có thể nối 2 câu và nói "Trong khi A như thế này, B lai như thế này"
Shopping is a waste of time. On the other hand, studying is a good use of time.
=> While shopping is a waste of time, studying is a good use of time.
Ở trên là các liên từ cơ bản để bạn có thể bắt đầu luyện tập Task 1 và 2. Trong quá trình viết, bạn cố gắng sắp đặt các câu thế nào để có thể sử dụng được các liên từ, tránh đặt các câu không liên quan/ nói về các vấn đề khác nhau cạnh nhau.
Dạng từ : danh từ - động từ - tính từ
Phương pháp từ đối từ (word by word) vừa có và không có tác dụng trong Writing. Nó có tác dụng nếu bạn chắc ngữ pháp và không nếu bạn không chắc ngữ pháp. Vây, nếu bạn tự tin là chia được đúng động từ và có khả năng nhận biết danh-động-tính tốt, hãy viết theo kiểu word by word. Nếu không, word by word là cách nhanh nhất để làm bạn lộ là mình không biết tiếng Anh.
Trong khi ôn tập cho IELTS cũng như là học tiếng Anh, bạn phải hiểu một chút về nguyên lý hoạt động của ngôn ngữ này. Trong tiếng Việt, chúng ta có thể viết 2 câu như sau:
(1) Bố mẹ cần giáo dục con trẻ trở thành những công dân gương mẫu.
(2) Giáo dục ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nhiều năm qua.
Để ý từ “giáo dục” ở cả 2 câu. Trong tiếng Việt, từ này được viết giống nhau ở cả 2 câu, đều là “giờ áo giáo” và “dờ úc dúc nặng dục”. Tuy nhiên trong tiếng Anh, chúng ta không suy nghĩ như vậy.
Nếu để ý kĩ các bạn thấy ở câu đầu tiên, từ “giáo dục” đóng vai trò là động từ (bố mẹ cần…) còn ở câu sau, nó có chức năng làm danh từ (giáo dục ở Việt Nam). Trong tiếng Anh, giáo dục động từ là “educate”, còn giáo dục danh từ là “education”.
Nói đến đây, có thể nhiều bạn đã quen thuộc với từ “education” vì nó là một từ xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống chúng ta, xuất phát từ việc bây giờ các tổ chức, công ty đều có tên tiếng Anh. Tuy nhiên, bạn không thể học từ kiểu này:
education = giáo dục
Bố mẹ cần giáo dục: Parents need to education.
hoặc tệ hơn:
Parents need education
Thay vào đó, các bạn phải viết:
Parents need to educate.
Điều này có nghĩa là khi bạn học từ vựng mới và muốn dùng nó trong văn viết, bạn phải nắm thật chắc dạng từ này là gì. Cái này dễ hơn bạn tưởng, vì danh, động và tính từ trong tiếng Anh đều có các đuôi đặc trưng của nó:
- danh từ: -tion/-sion, -ment, -ty, -ess/-ness, -ance/ence, -er/or, -ist, …
- động từ: -ize, -ate …
- tính từ: -al/ -ive/ -ous/ -ble/ -ful, …
Còn một số đuôi khác nữa, nhưng các đuôi trên là hay gặp nhất và đại diện cho nhóm từ đó. Như bao nhiêu ngôn ngữ khác, tiếng Anh cũng có những trường hợp ngoại lệ, kiểu như “mention” thì là động từ, “predicate” là danh từ và “chemical” là danh từ; nhưng các trường hợp này là cực kì hãn hữu và có thể thuộc lòng được.
Có thể là lúc này nhiều bạn cảm thấy hơi nản, vì tiếng Anh cảm giác rộng lớn quá, không biết học bao nhiêu cho hết. Nếu vậy, hãy làm nó bé lại. Hãy viết và đọc nữa đi, vì tiếng Anh chỉ rộng lớn khi chúng ta đứng nguyên tại chỗ thôi. Hãy xem và trải nghiệm thật nhiều, bạn sẽ thấy quen và tiếng Anh khá là lặp đi lặp lại. Nếu suy ngẫm cho kĩ thì tiếng Việt còn nhiều cái dị dạng và … bất qui tắc hơn tiếng Anh nhiều mà!
Vậy việc học các loại từ giúp cho ta biết được nhiều từ vựng hơn, và có khả năng lắp các từ vào câu chính xác hơn. Có một số quy tắc học cơ bản như sau:
A. Học cách dùng liên từ (conjunctions)
Trong tiếng Anh, có rất nhiều từ dùng để nối (sẽ đề cập sau trong cuốn sách này), còn hay được gọi là liên từ. Các từ này bắt đầu một vế phụ trong câu, có chức năng là đưa thêm thông tin. Đằng sau các từ nối là các cách dùng khác nhau:
+) Dùng với một câu (S+V): đây là các từ mà đằng sau nó phải là một câu đầy đủ chủ + vị, ví dụ: - If he (S) keeps (V) me waiting for longer, I’ll leave immediately.
- Although she (S) was (V) exhausted from all the housework, she still takes the time to put her children in bed.
Các bạn có thể thấy các vế đằng sau liên từ ở trên đều đầy đủ chủ vị: có một danh từ và một hành động của danh từ đấy.
+) Dùng với một danh từ/ động từ V-ing - Despite last year’s significant loss, the company refused to change its scope of operation.
- Without working hard, one should not expect attainment.
Ở các câu trên, chúng ta thấy sự biến mất của động từ được chia. Thay vào đó, đằng sau các liên từ, các danh từ và động từ V-ing được sử dụng.
+) Dùng với một tính từ - Although damaged in a recent accident, the car still runs pretty well.
Chúng ta thấy từ “although” ở đây dùng với tính từ, và nó còn dùng với một câu như ở ví dụ trên nữa. Từ đó, có thể rút ra rằng, một liên từ trong IELTS có thể dùng được nhiều cách. Các bạn cần tra từ điển trước để xem mỗi từ được sử dụng như thế nào.
B. Xác định động từ chính và phụ
99% các câu trong tiếng Anh sẽ đi theo model sau:
S + V + O
Các bạn chú ý là chỉ động từ nào được nối trực tiếp về chủ ngữ mới là động từ chính. Với các động từ chính, chúng ta sẽ chia. Tuy nhiên, các động từ khác được nối với các danh từ phụ, hoặc nối không trực tiếp với danh từ chính trong câu sẽ chỉ là động từ phụ. Đối với các động từ này, chúng ta sẽ để ở một trong 2 dạng (to V và V-ing)
Hãy lấy ví dụ câu sau:
Bố mẹ giáo dục trẻ em trở thành những công dân tốt.
Các bạn có thể thấy, trong câu này có 2 động từ được gạch chân là “giáo dục” và trở thành”. Chúng ta không thể viết:
Parents educate children become good citizens.
Thay vào đó, chúng ta phải viết:
Parents educate children to become good citizens.
Các bạn lưu ý, khi chúng ta thêm vào một động từ trong câu, hãy tự hỏi là nó phục vụ mục đích gì, và nó có nối trực tiếp với chủ ngữ chính không. Nếu không, nó sẽ phải được xử lý theo một trong 2 cách là: to V và V-ing.
C. Chia động từ sau đại từ quan hệ
Một khái niệm chúng ta cần để ý trong tiếng Anh là đại từ quan hệ. Nói nôm na, đây là từ “mà” trong tiếng Việt, dùng để mở nghĩa cho 1 danh từ và nối dài câu. Ví dụ:
Xã hội đang thiếu những người mà quan tâm tới vệ sinh môi trường.
Những điều kiện mà các nhà tuyển dụng yêu cầu rất nhiều và khắt khe.
Sau đại từ quan hệ, các bạn có 2 trường hợp xử lý: sử dụng 1 động từ hoặc 1 câu. Dù thế nào, thì phần động từ vẫn phải được chia trong mệnh đề quan hệ.
D. Đằng sau giới từ là động từ V-ing
Đây là một quy tắc đơn giản. Ngoại trừ từ “to”, nếu các bạn sử dụng một động từ ở đằng sau một đại từ, hay để nó ở dạng V-ing. Ví dụ:
Không viết: I am good at sing.
Hãy viết: I am good at singing.
4 quy tắc trên, cộng với chia động từ, là những chủ điểm ngữ pháp quan trọng và cần thiết nhất trong IELTS. Thật ra, chỉ với các quy tắc này là các bạn có đủ cơ sở ngữ pháp để đạt điểm 8.0 rồi.
Chủ ngữ V-ing và To V
Đây là một lỗi nhỏ, nhưng lại bị đánh giá xấu khi mắc phải. Chúng ta đã biết: chủ ngữ là các danh từ. Ớ thế nhưng mà trong tiếng Việt có các câu như:
Học tiếng Anh tốn nhiều thời gian
Đi du lịch thế giới rất vui.
Chẳng phải "học" và "đi" là động từ ư? Nó đứng ở vị trí chủ ngữ mà. Đúng là như vậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó "phản pháo" quy tắc chỉ có danh từ làm chủ ngữ. Trái lại, nó bổ sung một loại danh từ nữa, đó là danh động từ (gerunds). Nếu các bạn muốn viết các câu trên, đừng viết:
Learn English costs a lot of time
Travel around the world is a lot of good fun.
Hãy nhớ, khi động từ làm chủ ngữ, bạn phải chuyển nó thành gerunds. Rất đơn giản, bạn chỉ cần thêm 'ing' ở cuối từ đó:
Learning English costs a lot of time.
Travelling around the world is a lot of fun.
Thật là dễ phải không? Ngoài gerund, các bạn cũng có thể viết động từ thành dạng nguyên thể (infinitive) bằng cách thêm từ "to" ở trước động từ:
To learn English costs a lot of time.
To travel around the world is a lot of fun.
Tuy nhiên, trong 2 cách thì các bạn nên sử dụng cách gerund, vì đây là cách sử dụng thông dụng nhất trong tiếng Anh. Người bản ngữ ít khi sử dụng infinitive làm chủ ngữ, trừ những tình huống rất trang trọng. Vậy nên, nếu bạn thường xuyên sử dụng infinitive làm chủ ngữ, văn phong của bạn sẽ nhìn khá "dị". Không sai ngữ pháp, nhưng hơi bất thường.
Các thì nên dùng trong IELTS Writing
Sau khi đã chấm không ít bài IELTS Writing, mình có thể kết luận là hạn chế của những bạn thấp trong Writing không phải từ vựng. Thật vậy, mình thấy đa số sĩ tử khi đi thi IELTS đã có những “vũ khí” khá khủng về từ vựng rồi, nhưng vì một lý do đáng tiếc mà điểm của các bạn chưa được như mong muốn. Lý do này chính là việc chia động từ.
Trong IELTS Writing, bài viết được chấm dựa trên 4 tiêu chí, một trong số đó là Grammatical Range & Accuracy. Nhìn vào tiêu đề này, các bạn có thể thấy, về mặt ngữ pháp, chúng ta phải thể hiện được độ rộng (range) và sự chính xác (accuracy). Rõ ràng, việc bạn chia chính xác các thì sẽ dễ hơn việc sử dụng được nhiều thì, nên cần khẳng định lại lần nữa là trước khi ôn thi IELTS, dù là phần thi nào, bạn cần ít nhất là biết chia động từ.
Tuy nhiên, không phải thì nào chúng ta cũng dùng ở trong IELTS Writing. Nếu bạn tự tạo được tình huống để dùng đủ 12 thì trong tiếng Anh thì sẽ thật tuyệt vời, nhưng điều này là rất khó và bạn sẽ phải hi sinh khá nhiều về nội dung. Thay vào đó, bạn cần biết các tình huống khác nhau để áp dụng các thì khác nhau.
Những thì dùng nhiều nhất trong IELTS sẽ là: Present Simple, Past Simple, Future Simple, Present Perfect. Chúng ta có thể chia chúng thành các trường hợp phải dùng tiêu biểu nhất như sau:
A. Present Simple
IELTS Task 1 Process – Quy trình có thể được coi như là Facts (sự thật), và bạn sẽ phải dùng thì hiện tại đơn cho bài này.
IELTS Task 1 – Câu mở đầu (paraphrase) và câu nhận xét chung (overview) đều phải được để ở thì hiện tại đơn. Ví dụ: The graph represents, chứ không phải là represented, hoặc It is immediately obvious that, chứ không phải là it was immediately …
Phần lớn Task 2 – Trừ khi bạn muốn dẫn một ví dụ trong quá khứ, phần lớn Task 2 bạn sẽ sử dụng thì hiện tại đơn. Đôi khi, nếu bạn muốn nhấn mạnh về độ dài thời gian, bạn có thể dễ dàng biến thì này thành hiện tại hoàn thành.
B. Past SimpleIELTS Task 1 Biểu đồ và Maps – Ngoài bài Process, phần lớn các đề bài khác trong IELTS Task 1 sẽ có một chu kì thời gian gắn với nó, và thường là thời gian trong quá khứ. Điều này có nghĩa là tất cả các động từ miêu tả xu hướng hay sự thay đổi đều phải để ở thì quá khứ đơn.
IELTS Task 2 Examples – Nếu bạn lấy ví dụ là một sự kiện xảy ra trong quá khứ trong Task 2, mặc định là bạn phải để nó ở thì quá khứ. Tuy nhiên, thường ví dụ trong Task 2 sẽ ở thì hiện tại.
C. Future Simple
- IELTS Task 1 Biểu đồ – đôi khi trong các biểu đồ, các bạn sẽ thấy các khoảng thời gian trong tương lai. Tuy nhiên, bạn nên chú ý không sử dụng “will” luôn, vì nếu nói thế tức là bạn đang khẳng định, nhưng các số liệu trong bài lại là phỏng đoán. Vì vậy, với những gì dữ liệu này, bạn nên sử dụng mẫu câu “A được dự đoán là sẽ tăng/giảm…” => “A is predicted/projected to …”
D. Present Perfect
- Đây là một thì mà các bạn nên sử dụng nhiều hơn. Thì này chúng ta thường dùng trong Task 2, mỗi khi chúng ta muốn nói đến một Fact, nhưng lại muốn gắn thời gian vào. Ví dụ, thay vì: Exhaust emission causes a lot of harms to the environment, bạn có thể viết: Exhaust emission has caused a lot of …
- Ứng dụng thực tiễn nhất của thì hiện tại hoàn thành là nói xem việc gì xảy ra hay chưa. Ví dụ, nếu các bạn muốn nói: “A đã/ chưa làm gì”, đừng nói là “A don’t/doesn’t + V”, vì nếu bạn nói theo thì hiện tại đơn, bạn đang khẳng định nó là một Fact. Việc này chưa xảy ra, chưa chắc là nó sẽ không bao giờ xảy ra, và ngược lại, nếu nó xảy ra rồi, không có nghĩa nó sẽ xảy ra mãi mãi. Vậy , các bạn nên viết “A has/hasn’t/have/haven’t…”
E. Trường hợp đặc biệt
- Trong Task 2, bạn đôi khi sẽ phải đưa ra một trường hợp giả định. Ví dụ: Nếu chúng ta làm việc này, việc này sẽ xảy ra… Hoặc: Chính phủ có thể/nên làm việc này… Vì đây là một trường hợp giả định, bạn đừng sử dụng “will”, vì again, khi bạn dùng “will” là bạn đang khẳng định. Thay vào đó, hãy dùng “would”. Tương tự như vậy, đừng dùng từ “can”, hãy dùng “could”.
Như các bạn có thể thấy, thực sự không có nhiều thì trong tiếng Anh chúng ta cần học để có thể làm được bài Writing. Nếu các bạn thành thạo được 5 chủ điểm ở trên, bạn hoàn toàn có thể tự tin viết bất cứ đề Writing nào.
Do you know the best way to promote your website to social media users? I will share it with you. This will really help you.
http://bit.ly/2Mn1LED
thks